Biến màn hình máy tính cũ thành TV giá rẻ

Những màn hình máy tính cũ được các tay thợ điện tử ở chợ Nhật Tảo (TP HCM) tận dụng, chế tạo thành TV và đưa về bán cho người nghèo, dân ở vùng sâu vùng xa với giá 150 – 300 nghìn đồng.

Khi người chở đồ điện tử cũ đến, những người phụ nữ ngồi ở lề đường chợ Nhật Tảo phân loại linh kiện, lau chùi đèn hình và bảng mạch bám đầy bụi. Cạnh đó, một vài người thợ cặm cụi lắp những màn hình vào khung TV. Đều đều vào một giờ nhất định trong ngày, những chuyến xe lại đến và chở những chiếc TV này đi…

Khung cảnh này quá quen thuộc với những người dân sống xung quanh chợ Nhật Tảo. Bên cạnh việc bán đồ cũ, một số cửa hàng ở đây chuyên tái chế màn hình máy tính cũ thành thiết bị thu sóng truyền hình và bán ra thị trường với mức chưa tới 200.000 đồng.

Thợ điện tử sửa màn hình vi tính cũ và lắp vào khung TV.
Thợ điện tử sửa màn hình vi tính cũ và lắp vào khung TV.

Người thợ này tiết lộ, chợ Nhật Tảo có trên dưới 20 khu vực tái chế rác thải điện tử, nhưng số cơ sở lớn thì ít. Các “xưởng” tái chế chủ yếu hoạt động trên vỉa hè, các bãi đất trống hoặc một góc của bãi gửi xe… Những khu vực này tập trung đồ điện tử cũ từ những người chuyên gom ve chai, trong đó có màn hình CRT. “Vì người dân Sài Gòn đã chuyển qua dùng máy tính màn hình tinh thể lỏng (LCD), nên giá của màn hình CRT cũ rất rẻ” – anh kể – “chỉ vài chục nghìn đồng một cái, thậm chí có nhà còn cho luôn vì để trong nhà cũng chật chội mà không có tác dụng gì”.Theo một người thợ tên Phong, so với cách đây 2 – 3 năm, số tụ điểm làm TV từ màn hình máy tính cũ đã giảm nhiều do người dân đã có điều kiện mua TV mới nhiều hơn. Tuy nhiên, nhu cầu về một chiếc TV cơ bản vẫn còn cao, nhất là ở những khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, nơi phần lớn người dân chưa có điều kiện tiếp xúc với công nghệ hiện đại. Đấy cũng là khách hàng chủ yếu của các cơ sở này.

Người thợ này tiết lộ, chợ Nhật Tảo có trên dưới 20 khu vực tái chế rác thải điện tử, nhưng số cơ sở lớn thì ít. Các “xưởng” tái chế chủ yếu hoạt động trên vỉa hè, các bãi đất trống hoặc một góc của bãi gửi xe… Những khu vực này tập trung đồ điện tử cũ từ những người chuyên gom ve chai, trong đó có màn hình CRT. “Vì người dân Sài Gòn đã chuyển qua dùng máy tính màn hình tinh thể lỏng (LCD), nên giá của màn hình CRT cũ rất rẻ” – anh kể – “chỉ vài chục nghìn đồng một cái, thậm chí có nhà còn cho luôn vì để trong nhà cũng chật chội mà không có tác dụng gì”.

Một bóng đèn hình được tháo từ màn hình cũ đã được lau chùi và đánh bóng...
Một bóng đèn hình được tháo từ màn hình cũ đã được lau chùi và đánh bóng…
... và chiếc TV sau khi đã lắp ghép hoàn chỉnh.
… và chiếc TV sau khi đã lắp ghép hoàn chỉnh.

Với màn hình cũ, thợ sẽ tiến hành phá bỏ hộp đựng ngoài, sau đó phân loại thành từng thành phần cho mục đích riêng, gồm vỏ nhựa, linh kiện điện tử… Bộ phận quan trọng nhất là bóng đèn hình sẽ để riêng.

Các bóng đèn hình sau khi tách sẽ được lau chùi sạch sẽ, kiểm tra xem còn sử dụng được hay không. Các mẫu hỏng sẽ được vận chuyển đến các lò nấu thủy tinh, những mẫu còn lại sẽ được tân trang tùy vào tình trạng hư hại. Nếu trầy xước, chúng sẽ được đánh bóng trước khi lắp ráp.

Tùy theo kích thước màn hình, người thợ sẽ lựa chọn bộ khung nhựa phù hợp cho nó, sau đó gắn bảng mạch. Khung nhựa được mua tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trên địa bàn, trong khi các bảng mạch TV chủ yếu nhập từ Trung Quốc, có kèm theo điều khiển từ xa với giá chỉ vài chục nghìn đồng. Cũng có trường hợp, thợ tận dụng bảng mạch của TV cũ, nhưng không nhiều, do tỷ lệ hỏng của bảng mạch TV thường khá cao.

“Nếu chỉ tính thời gian lắp đặt, mỗi giờ, một người thợ lành nghề có thể cho ra 3 đến 4 chiếc TV”, anh Phong tiết lộ.

Bên cạnh màn CRT, một số cơ sở tại chợ Nhật Tảo còn tạo ra những chiếc TV giá rẻ từ màn hình máy tính LCD cũ. Tuy nhiên, theo bà Hồng, một chủ cửa hàng kinh doanh TV và màn hình máy tính cũ trên đường Nhật Tảo, dạng này không được thợ sửa chữa mặn mà cho lắm, bởi việc tích hợp bảng mạch khó khăn hơn, giá bán thành phẩm cũng cao hơn, từ 700.000 đến 1,5 triệu đồng, nên kén người mua.

Bà Hồng cho biết, những chiếc TV cũ sau khi lắp ráp hoàn chỉnh sẽ được vận chuyển chủ yếu đi các tỉnh miền Tây và Tây Nguyên để bán. Bên cạnh đó, cũng có khá nhiều nhà hảo tâm mua số lượng lớn phục vụ cho mục đích từ thiện. Người dân ở vùng ven Sài Gòn, chủ yếu là lao động nghèo, ngư dân…, cũng tới hỏi mua.

Về cơ bản, những sản phẩm tái chế này đáp ứng được phần nào nhu cầu xem truyền hình. Tuy nhiên, chúng là rác thải điện tử và chất lượng không thể được kiểm chứng bởi cơ quan chức năng nên người mua cũng cần thận trọng trước mặt hàng này nhằm tránh “tiền mất, tật mang”.

Bảo Lâm (sohoa.vnexpress.net)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *