Một công bố tài chính của công ty Asanzo gần đây cho biết: doanh thu tổng đạt hơn 4.600 tỷ đồng trong năm 2017, nhưng báo cáo kết quả kinh doanh của các công ty thành viên cho thấy lợi nhuận chỉ đạt vài trăm triệu, thậm chí thua lỗ.
Trong vài năm gần đây, cái tên Asanzo nổi lên như một thế lực trong lĩnh vực sản xuất hàng điện tử trong nước, đặc biệt là tivi bên cạnh các thương hiệu nổi tiếng như Sony, Samsun và LG.
Được thành lập năm 2013, chỉ mất 4 năm để nhà sáng lập Phạm Văn Tam phát triển công ty của mình trở thành nhà sản xuất tivi chiếm đến 16% thị phần trong nước. Công ty cũng đã mở rộng sang các lĩnh vực sản xuất đồ điện gia dụng và điện thoại thông minh.
Chiến lược giúp Asanzo thành công nằm ở việc công ty này chọn cho mình phân khúc tivi giá rẻ có màn hình nhỏ, tập trung phục vụ khu vực nông thôn. Doanh nghiệp này công bố, kể từ khi thành lập đến nay, tốc độ tăng trưởng của Asanzo cũng đạt trên 40%.
Năm 2017, Asanzo công bố tổng doanh thu của toàn hệ thống đạt 4.600 tỷ đồng. Đây là con số rất ấn tượng nếu so với tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành TV, điện tử, vốn bị đánh giá là đã rơi vào trạng thái bão hòa.
Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh của một số công ty trong tập đoàn Asanzo không cho thấy sự ấn tượng như doanh thu công bố. Báo cáo công ty mẹ của Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo (Tập đoàn Asanzo) cho biết trong năm 2017, doanh thu của đơn vị này đạt 549 tỷ đồng và lợi nhuận 255 triệu đồng.
Công ty này được thành lập năm 2016 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng và có lợi nhuận lũy kế không đáng kể. Ông Phạm Văn Tam chỉ giữ 1% cổ phần tại công ty. Đáng chú ý, báo cáo tài chính ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn của công ty ở mức cao, lên tới 235 tỷ đồng, tương đương 83% tổng tài sản công ty.
Một công ty con khác thuộc hệ thống Asanzo được thành lập năm 2017 là Công ty cổ phần điện tử Asanzo Việt Nam cũng báo cáo kết quả kinh doanh không mấy tích cực. Theo báo cáo công ty đạt doanh thu 381,8 tỷ đồng và lỗ 560 triệu đồng.
Công ty này đang vay nợ ngắn hạn gần 75 tỷ đồng. Hồi đầu năm số nợ này cao gấp 4 lần và ở mức 302 tỷ đồng. Phần lớn tài sản của công ty hiện nằm ở hàng tồn kho và khoản trả trước cho người bán.
Trên thực tế, hệ thống các công ty của Asanzo còn bao gồm nhiều công ty khác như Công ty Điện tử Asanzo Miền Bắc, Công ty điện lạnh Asanzo, Công ty Viễn thông Asanzo..Các công ty này hình thành nên các giao dịch thương mại phức tạp và tạo nên mức doanh thu hơn 4.600 tỷ đồng trong năm ngoái của Asanzo.
Bản thân chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam từng cho biết, Asanzo hiện chưa phù hợp với các nhà đầu tư chiến lược như Samsung hay TCL, bởi gặp khó khăn trong việc đáp ứng các đòi hỏi của các tổ chức này, đặc biệt là tính minh bạch.
Để có thể tiếp đón các quỹ đầu tư, Asanzo đang có rất nhiều việc phải làm để minh bạch hóa bộ máy quản trị cũng như các số liệu tài chính của công ty.
Mặc dù vậy, Asanzo vẫn nuôi tham vọng lớn với kế hoạch xây dựng thêm nhà máy mới tại TP.HCM, đặt tại huyện Củ Chi, với diện tích khoảng 17.000 m2, mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Đây là nhà máy sản xuất hàng hóa phục vụ các ngành hàng cho thị trường miền Trung và miền Nam.
Không chỉ dừng lại ở đó, mới đây, Asanzo còn công bố kế hoạch bán 15% cổ phần để gọi vốn khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Do chưa thể đồng thuận với các nhà đầu tư lớn, Asanzo hướng việc huy động vốn tới các nhà phân phối của mình. Theo ông Tam, Asanzo có hàng trăm nhà phân phối trên cả nước và có rất nhiều người hứng thú với việc trở thành cổ đông của công ty.
Trần Anh